menu

Sunday, October 11, 2015

CÁNH BUỒM VỀ TỪ NƠI XA



MƯỠU 


Kìa đâu cuối phố quạnh hiu
Chân trời thấp thoáng con chèo về khơi .
(Hoa Tiên Truyện) 




NÓI 


Bến liễu thuyền san sát
Buồm xa về lớp lớp đậu bên doi
Giây lèo căng thuận gió phương trời
Xuyên cánh mây vượt trùng khơi sóng rẽ .
Thuyền tách thinh thinh chèo nhẹ nhẹ

Khói tan thức thức lục ơi ời (2)
Sông Ngô, bể Sở từng đến thăm chơi

Bút Ma Cật đố vẽ vời nên bức họa (3)
Phong cảnh ấy tay thợ trời điểm hóa
Thuyền mây sông nước đã gom cả vào đây
Càng nhìn mà dạ thêm say ! 





(1) Đây là bài Viễn Phố Quy Phàm, là bài thứ ba
trong Bát Cảnh Tiêu Tương của Lương Nhữ Hộc .
Viễn Phố : Là nơi bán hàng xa . Còn có nghĩa là nơi ở xa .
Thơ Bà Huyện Thanh Quan có câu :
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn .


(2) Hai câu 5&6 lấy trong bài nguyên tác .
Tách : Là tách bến . Rời bến .
Thinh thinh : Như thênh thênh, có nghĩa là rộng rãi .
Còn có nghĩa là rất nhẹ .
Thức thức : Là thứ này thứ khác . Nhiều thứ .
Trong Truyện Kiều có câu :
"Thời trân thức thức sẵn bầy
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường".
Lục : Mầu xanh lá cây . Ý nói sau khi khói tan,
phong cảnh hiện ra với bao nhiều cây cối xanh tươi
cùng với mầu xanh của vòm trời, khiến ta liên tưởng
tới câu thơ cổ : "Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc."
Dòng nước thu và bầu trời (dài) cùng chung một mầu .
Tố Như tiên sinh có câu tả cảnh rất hay, có lẽ phần
nào ảnh hưởng câu thơ cổ này :
"Lung linh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi ánh vàng."


(3) Ma Cật . Vương Duy tự là Ma Cật, đời Đường .
Năm 21 tuổi thi đậu tiến sĩ, ra làm quan .
Ông sớm từ quan về ở ẩn ở núi Chung Nam .
Ngoài tài thơ ra, Vương Duy còn sành âm nhạc,
giỏi thư pháp và hội họa . Tranh sơn thủy của ông
mở đầu cho lối họa Nam tông .
Vương Duy có địa vị cao trong Nam phái Thiền tông .
Người đời gọi ông là Thi Phật . 




Trần Nhất Lang
Thu Apr 01, 2010