menu

Sunday, November 1, 2015

XUÂN TỨ

Ngũ thủ độc vận


Trần Nhất Lang


Bài 1


Xuân sắp về đây tựa giấc mơ
Ngồi bên cửa sổ đếm mưa tơ
Ngựa nghe gió Bấc lòng man mác
Chim nhớ cành Nam dạ thẫn thờ. (*)
Trầm mặc Đường Thi thơm nét chữ
Thanh tao Hồn Việt đẹp lời thơ
Áo lam, tiếng mõ vui kinh kệ
Để lại sau lưng một cuộc cờ.


(*) Theo điển “Ngựa Hồ, Chim Việt”.


Bài 2


Xuân sẽ về đây đẹp ước mơ
Cho đàn thiếu phụ rộn giây tơ
Chợt nghe bước nhẹ về sân Hán
Bỗng nhớ ngày xưa đến xứ Hồ. (*)
Bầu cạn xứ người say chén rượu
Túi đầy quê mẹ nặng tình thơ (**)
Vầng trăng viễn xứ buồn luân lạc
Phố Núi Lầu Tây có đợi chờ?


(*) Truyện Nàng Thái Diệm con Thái Ung cuối đời
Đông Hán (Tam Quốc), có tài thổi kèn, bị lưu lạc
vào đất Hồ 12 năm. Sau được Tào Tháo chuộc về Hán.
Nghĩa bóng, ý nói những người miền Nam (VNCH) sau
1975 bị đưa ra miền Bắc tù cải tạo nhiều năm. Và đã
được thế giới can thiệp trả tự do.

(**) Hai câu 5 & 6 viết theo lối "Đảo Trang".


BÀI 3


Xuân đến ngày mai đẹp cõi bờ
Đường xưa lối cũ rộn cung tơ
Đào hoa vụt nở tươi mầu áo
Phượng vĩ bừng khai thắm ý thơ.
Nào kẻ sang Tần thương Dịch Thủy (*)
Đâu người ở Thục nhớ Đông Ngô (**)
Xưa nay thành bại do thiên định
Thua được trên cao sắp ván cờ.


(*) Kinh Kha qua sông Dịch Thủy sang Tần hành thích
Tần Thủy Hoàng thất bại, bị giết. Nghĩa bóng ý nói có
nhiều chiến sĩ “Phục Quốc” của miền Nam đã hy sinh,
chưa hoàn thành nhiệm vụ.

(**) Theo điển Tôn Phu Nhân Quy Thục. Nghĩa bóng ý
muốn nói những người ở xa luôn nhớ quê hương.


Bài 4


Cuộc thế phân tranh mấy ván cờ
Kẻ thua người thắng chuyện huyền cơ
Sáng ra nhìn kiếng đầu xanh thắm
Chiều lại trông gương tóc bạc phơ
Đuốc Tuệ soi đường tìm bến Giác
Chầy kình thức giấc tỉnh cơn mơ
Quy Thiền mới rõ Không như Sắc
Lẩn thẩn bao năm chữ Hữu-Vô.



Bài 5


Lãng phí thời gian chuyện vẩn vơ
Con thuyền thấy bến thỏa mong chờ
Nghiêng bầu phong nguyệt tràn ly ngọc
Gom túi yên hà nhập cõi thơ.
Bên xóm tiều phu ca Tuyết Trắng (*)
Dưới sông ngư phủ đợi trăng mơ
An nhiên đứng giữa đời luân lạc
Một mái tranh nhàn vẳng tiếng tơ.


(*) Là Bạch Tuyết ca, tên một bài hát cổ.